Việc phân tích các chỉ số website là một cách hữu ích giúp các công ty và doanh nghiệp có thể cập nhật thông tin về tương tác của người dùng trên website một cách thường xuyên. Từ đó, bạn có thể liên tục cải thiện chất lượng website cho phù hợp. Chính vì thế, việc đo lường các chỉ số này gần như không thể thiếu cho mọi website. Hiểu được điều này, hôm nay mình sẽ hướng dẫn bạn cách phân tích các chỉ số của một website một cách hiệu quả nhất nhé!
Phân tích chỉ số website là gì?
Đầu tiên, để phân tích các chỉ số website một cách hiệu quả, bạn nên hiểu rõ phân tích chỉ số website (web analysis) là gì, bao gồm các công việc như thế nào. Phân tích chỉ số website chính là việc phân tích các thông tin về việc người dùng tương tác như thế nào khi họ truy cập vào website của bạn và kiểm soát các số liệu đó. Việc phân tích chỉ số website là để tìm ra các điểm để bạn có thể nâng cao chất lượng của website và theo dõi sự phát triển lâu dài của website.
Nhờ vào các thông tin có được từ việc phân tích chỉ số website, bạn có thể tìm ra những điểm hạn chế, thậm chí là các phương án để cải thiện chất lượng của website. Bạn có thể sử dụng những thông tin này để áp dụng vào trong hoạt động kinh doanh của mình. Những dữ liệu đó bao gồm cả những thông tin về hành vi và thói quen khách hàng của bạn khi họ truy cập vào website, cũng như là nguồn truy cập và thời gian ở lại trang web họ.
Nhiều doanh nghiệp có thể vẫn chưa hiểu rõ tầm quan trọng hay ý nghĩa từ những thông tin như thế này. Nhưng trên thực tế, bạn hoàn toàn có thể ứng dụng nó vào các hoạt động kinh doanh ví dụ như là làm sao để phát triển sản phẩm cho phù hợp với thị hiếu của khách hàng, hay là thay đổi chiến dịch marketing như thế nào cho thu hút và hiệu quả hơn, chính sách bán hàng, truyền thông để cho phù hợp với thói quen, nhu cầu của khách hàng mục tiêu. Bạn cũng hoàn toàn có thể tiết kiệm được một khoản kha khá nhờ vào việc giảm bớt những cuộc khảo sát thị trường hoặc cho khách hàng dùng thử sản phẩm. Bởi vì những thông tin mà bạn thu thập được ở trên website cũng tương tự từ những cuộc khảo sát hay tham khảo ý kiến khách hàng như vậy. Và những dữ liệu này luôn được cập nhật tức thời nên bạn còn được cập nhật số liệu liên tục nữa cơ.
Để biết được trang web đã thực sự tối ưu và hoạt động một cách hiệu quả hay chưa, và có đầy đủ nội dung để thu hút khách hàng hay không thì bạn sẽ cần sử dụng đến một số công cụ, bí kíp mà mình sẽ tiết lộ ở trong bài viết này.
Tại sao cần phân tích chỉ số website?
Việc phân tích các chỉ số website thường liên quan đến việc tính toán và theo dõi rất nhiều số liệu khác nhau. Từ đó, bạn có thể tìm ra các biện pháp để cải thiện chất lượng website nhằm hướng tới các mục tiêu sau:
- Tăng số lượng khách truy cập vào website.
- Giữ chân khách truy cập trên trang web lâu nhất có thể.
- Cải thiện sự hài lòng của khách hàng khi đọc nội dung trên website.
- Tăng doanh thu thông qua việc bán hàng.
- Tăng tỉ lệ quay lại đọc website.
Tất nhiên là thông qua việc có nhiều người đọc hơn, và họ thích thú với nội dung website, bạn sẽ có thể tăng doanh thu từ chính những khách truy cập đó đấy.
Mục tiêu khi phân tích các chỉ số website của bạn là gì?
Mục tiêu khi phân tích các chỉ số website của bạn là gì?
Để thu thập được các dữ liệu cho việc phân tích chỉ số website, bạn cần xây dựng các kịch bản theo dõi hành vi người dùng trên website. Bạn nên tự đặt ra các câu hỏi như sau:
- Bạn thực sự muốn làm gì với những dữ liệu sẽ thu được?
- Bạn đang hướng tới những mục tiêu nào cho website của bạn?
- Khách truy cập trên website của bạn sẽ mong đợi gì từ trang web?
- Làm thế nào để thu được những lợi ích từ những dữ liệu bạn có, bạn sẽ tối ưu hóa hoạt động marketing online như nào từ những dữ liệu đó?
Các số liệu cần có khi phân tích chỉ số website
Bạn sẽ phân tích chỉ số website không chỉ một lần, mà sẽ rất thường xuyên và lặp đi lặp lại. Đó là một quá trình đo lường, phân tích và tối ưu hóa liên tục. Trong quá trình đó, tất cả các thông tin, dữ liệu về hành vi hay tương tác của khách truy cập về website của bạn sẽ được lưu lại và quy về các chỉ số hiệu suất khác nhau hay còn gọi là KPI.
KPI giống như là một bộ đo lường về chất lượng website của bạn. Các KPI phổ biến thường hay được sử dụng như:
- Số lượng khách truy cập
- Thời gian truy cập
- Tỷ lệ lượt truy cập tự nhiên
- Thời gian tải trang trung bình
- Tỷ lệ chuyển đổi
Tất nhiên là bạn không nên xem xét chỉ một chỉ số duy nhất mà cần phải xem xét tất cả các dữ liệu một cách tổng thể. Ví dụ như số lượng khách truy cập cao và tăng trưởng đều, thì đấy là một dấu hiệu tốt. Tuy nhiên, nếu bạn đang nhắm tới việc tăng lượng khách truy cập mới để có thể tạo ra doanh thu từ khách truy cập mới đó mà tỉ lệ khách truy cập tự nhiên thấp thì dù lượng khách truy cập có cao đi nữa thì vẫn là một dấu hiệu không tốt. Lúc này, bạn vẫn cần phải tìm ra các nguyên nhân để cải thiện.
Cách phân tích các chỉ số website
Chuẩn bị
Bước 1 – Xây dựng kế hoạch để phân tích chỉ số website
Nếu chỉ thu thập dữ liệu không thôi thì có thể nó sẽ chẳng đưa bạn đi đến đâu được. Bạn nên có một kế hoạch rõ ràng, phù hợp với bức tranh tổng thể về kế hoạch marketing của bạn. Kế hoạch dành cho việc phân tích chỉ số website của bạn phải rõ ràng, cụ thể và khớp với mục tiêu marketing mà bạn đề ra. Đồng thời, bạn cũng nên sử dụng một số công cụ hữu ích cho kế hoạch đó. Ví dụ như bạn có thể sử dụng bản đồ tư duy để phát triển các ý tưởng một cách dễ dàng hơn chẳng hạn.
Bước 2 – Xác định mức độ ưu tiên
Không phải tất cả các chỉ số đều quan trọng như nhau, mà bạn nên sắp xếp các mức độ ưu tiên của chúng. Cái nào quan trọng hơn thì bạn sẽ tập trung đo lường chỉ số đó. Tất nhiên, việc sắp xếp mức độ ưu tiên này sẽ tùy theo vào mục tiêu, nhu cầu marketing của bạn. Nên mỗi website sẽ có bộ chỉ số đo lường (KPI) khác nhau.
Thực hiện
Bước 1 – Chọn cách thức tracking
Cách thức tracking là việc làm rõ bạn sẽ cần lấy các chỉ số đó bằng cách thức nào. Có một số chỉ số bạn sẽ cần lấy bằng cách sử dụng các tracking code trên website. Ví dụ, nếu bạn sử dụng dịch vụ Google Analytics thì bạn sẽ cần đặt tracking code của Google Analytics vào website của bạn. Trên thị trường cũng có nhiều các dịch vụ tracking khác, bạn cũng có thể nghiên cứu và tìm hiểu xem là dịch vụ nào cung cấp đầy đủ các thông số mà bạn muốn. Ngoài Google Analytics, bạn cũng có thể tham khảo Microsoft Clarity.
Với mỗi dịch vụ trên, ngoài việc đặt tracking code, bạn hoàn toàn có thể tách nhỏ ra để phân tích từng phần trên website. Tất cả những việc như vậy bạn đều phải tính toán trước để có thể lấy ra những chỉ số bạn muốn, ở những nơi bạn cần chứ không phải lưu tất cả các dữ liệu chung chung mà các dịch vụ này cung cấp. Ví dụ như bạn chỉ muốn lưu lại số liệu trên trang mua hàng thôi, bạn muốn xem tỷ lệ người dùng thêm sản phẩm vào giỏ hàng mà không thanh toán là bao nhiêu thì bạn cần tìm ra cách thức để có thể theo dõi những số liệu trên trang mua hàng đấy.
Bước 2 – Triển khai tracking
Sau khi đã chọn ra được dịch vụ tracking và tìm ra cách thức tracking để theo dõi ở những nơi mà bạn muốn, thì bạn bắt đầu tiến hành việc thiết lập cho việc theo dõi những chỉ số đó.
Trong quá trình thực hiện việc gắn code để tracking, bạn cần lưu ý là phải kiểm tra thật kỹ, và thực hiện các hành động để thử xem các chỉ số thay đổi như thế nào, xem nó có ghi nhận được đầy đủ dữ liệu hay không. Nếu có bất kỳ sự sai lệch nào, thì bạn cần kiểm tra lại ngay và khắc phục các lỗi để tránh việc dữ liệu bị sai sau này.
Bước 3 – Tích hợp nhiều nguồn dữ liệu
Như mình đã nói ở trên, có rất nhiều dịch vụ tracking mà bạn có thể sử dụng. Bạn không nhất thiết chỉ sử dụng một dịch vụ mà bạn nên kết hợp nhiều nguồn có nhiều dịch vụ khác nhau để có được nhiều nguồn dữ liệu khác nhau. Nó không những giúp bạn có thêm một số loại dữ liệu mà chỉ có một vài dịch vụ đặc biệt cung cấp, mà còn giúp bạn đối chiếu các thông số cơ bản để tránh sai lệch nữa cơ.
Ví dụ, với Google Analytics, có một tính năng hữu ích là bạn có thể cập nhật được chi phí giá vốn từ các nguồn khác nhau. Nếu như bạn kết nối tài khoản Google Analytics trên website của bạn với Google Ads, thì bạn hoàn toàn có thể xem được chi phí marketing cho những người dùng trên website đến từ nguồn quảng cáo là bao nhiêu. Hoặc nếu như bạn có tracking code của Facebook trên website của bạn thì bạn cũng có thể biết bạn mất chi phí cho những người dùng từ Facebook là bao nhiêu. Từ đấy, bạn có dữ liệu để biết được các chiến dịch quảng cáo của bạn đã thực sự hiệu quả hay không và tối ưu hay chưa.
Bước 4 – Tạo trang báo cáo dữ liệu
Để xem được dữ liệu, thì việc đầu tiên là bạn cần có một nơi để thống kê các dữ liệu đó một cách khoa học. Nhưng trước khi tạo ra một nơi như thế thì bạn cần xác định rõ, bạn cần dữ liệu gì, và bạn muốn xem dữ liệu gì. Khi đó bạn sẽ tạo ra một trang dashboard để lưu trữ thông tin như vậy.
Bạn hoàn toàn có thể tạo trang dashboard tùy biến theo từng nhóm khách hàng mà bạn muốn theo dõi số liệu thống kê. Ví dụ như với Google Analytics, bạn hoàn toàn có thể thống kê những khách hàng truy cập vào website đã tương tác như thế nào thông qua các cột mốc (Goal) mà bạn đã tạo.
Bạn cũng có thể tạo riêng một trang dashboard trên Excel hay Google Docs bằng việc xuất trực tiếp dữ liệu từ dịch vụ tracking mà bạn dùng. Tất nhiên là việc này sẽ phức tạp hơn so với việc bạn xem trực tiếp trên trang dashboard của những dịch vụ đó.
Ngoài ra, nếu bạn sử dụng nhiều dịch vụ tracking khác nhau, thì bạn cũng có thể tham khảo thêm các dịch vụ cung cấp việc tổng hợp các số liệu từ nhiều nguồn khác nhau.
Bước 5 – Tiến hành tối ưu website dựa trên những chỉ số thu được
Bạn thấy đấy, có rất nhiều các chỉ số web khác nhau. Chúng sẽ thể hiện rất rõ các vấn đề mà website của bạn gặp phải, hay là người dùng thường hay gặp vấn đề ở chỗ nào trên web, thậm chí là họ ưa thích cái gì hơn và họ không thích cái gì. Từ các thông tin đó, bạn cần có các biện pháp để thay đổi nội dung hoặc cấu trúc website cho phù hợp hơn.
Phân tích chỉ số website và Bảo mật
Đối với việc phân tích chỉ số website, bạn có thể sẽ cần sử dụng nhiều dịch vụ tracking khác nhau. Nhưng bạn hãy chắc chắn về vấn đề bảo mật dữ liệu website của bạn khi sử dụng các dịch vụ đó nhé.
Trước khi sử dụng các dịch vụ đó, sẽ luôn luôn có các điều khoản của các bên cung cấp dịch vụ mà bạn nên đọc kỹ để xem nó có phù hợp với mình không. Bởi khi bạn sử dụng các dịch vụ đó thì sẽ đồng nghĩa với việc bạn cho phép các bên cung cấp dịch vụ lấy được các dữ liệu trên website của bạn và xử lý chúng thay bạn đấy.
Một số dịch vụ tracking sẽ cho bạn một số thiết lập riêng để bạn tùy chọn cho một số loại dữ liệu nhất định mà bạn không muốn chia sẻ. Bạn nên cân nhắc để xem có nên hạn chế các dữ liệu đó hay không để hạn chế tối đa việc chia sẻ dữ liệu website ra ngoài nhé.
Lời kết
Việc phân tích chỉ số website là rất quan trọng với hầu hết các chủ website. Bạn thấy đấy, có rất nhiều chỉ số khi phân tích website. Nhưng theo mình, bạn chỉ nên tập trung vào một nhóm chỉ số nhất định để có thể cải thiện vấn đề của bạn một cách hiệu quả nhất và tránh mất thời gian. Bạn cũng đừng quên lựa chọn dịch vụ tracking uy tín và phù hợp với nhu cầu của mình nhé. Chúc các bạn thành công!