Trong quá trình làm SEO, việc làm tăng thứ hạng SEO và độ uy tín của website là một điều rất được để tâm đến. Khi bạn muốn cập nhật trang web, 1 số đường link có thể bị thay đổi. Nếu bạn không muốn người dùng truy cập vào các URL cũ và bị báo lỗi 404 thì đừng lo lắng nhé vì 301 redirect sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề đó. Hãy cùng tìm hiểu xem 301 Redirect là gì và dùng như thế nào để bạn có thể ứng dụng vào việc chuyển hướng người dùng khi họ vào các đường link cũ nhé.
301 redirect là gì?
Redirect (hay còn gọi là chuyển hướng đường dẫn) là hành động tự động chuyển hướng người dùng khi họ truy cập vào một URL này sang một URL khác. Có rất nhiều loại redirect khác nhau như là 301 redirect, 302 redirect, 307 redirect, …
Trong đó, 301 redirect là loại chuyển hướng vĩnh viễn. Tức là người dùng truy cập sẽ luôn luôn được đến URL mới cố định khi họ vào URL cũ, và việc này sẽ được giữ vĩnh viễn, không thay đổi. Điều này khác với các loại chuyển hướng khác, thường là chỉ dùng tạm thời trong 1 thời gian ngắn như khi bạn cần nâng cấp website chẳng hạn.
Nhưng nếu bạn thay đổi domain website vĩnh viễn, thì lúc này, bạn chắc chắn sẽ cần dùng 301 redirect để tự động chuyển hướng tất cả những người dùng vào domain cũ sang truy cập vào domain mới.
Ngoài ra, bạn có thể ứng dụng 301 redirect để chỉnh sửa các đường dẫn cho bài viết trên website từ những URL chưa được tối ưu tốt cho SEO sang URL mới tốt hơn chẳng hạn.
Đặc biệt, khi bạn đã thay đổi các đường dẫn của bài viết hoặc trang trên website, thì khi truy cập vào các URL cũ sẽ bị báo lỗi 404. Lúc này, bạn có thể dùng 301 redirect để chuyển hướng người dùng sang đường dẫn mới của bài viết hoặc page đó, hoặc thậm chí là sang một trang để đề xuất nội dung có liên quan.
Tác dụng của 301 redirect
Giữ chân và tăng trải nghiệm người dùng
Chắc chắn bạn sẽ giữ chân người dùng tốt hơn và tăng trải nghiệm của họ khi đến với website của bạn nếu bạn sử dụng 301 redirect.
Khi người dùng truy cập đến một URL nào đó trên website của bạn mà gặp lỗi 404, họ sẽ cảm thấy khó chịu hoặc có ấn tượng không tốt đối với website. Họ sẽ thoát trang ngay lập tức khi gặp lỗi này, hoặc thậm chí tồi tệ hơn là sẽ không bao giờ vào website đọc nữa dù có đứng top 1 trên trang tìm kiếm. Nếu bạn vẫn duy trì như vậy thì lượng người truy cập vào website của bạn sẽ càng ngày giảm đi và các chỉ số web sẽ khá tệ.
Để khắc phục vấn đề này, bạn có thể sử dụng 301 redirect để dẫn người truy cập đến “địa chỉ nhà mới” của bạn để người dùng có thể ghé thăm đúng nội dung họ cần thay vì thấy dòng thông báo lỗi.
Ngoài ra, nếu nội dung cũ đó đã bị xóa, thì bạn cũng có thể sử dụng chuyển hướng 301 để dẫn họ tới một trang khác có chứa các nội dung liên quan để đọc và tham khảo. Biết đâu đấy họ lại thấy cái họ cần ở một bài viết khác trên website của bạn thì sao?
Khi chuyển hướng đường dẫn như vậy, ít nhất thì người dùng vẫn luôn được đến một nơi nào đó trên website của bạn có chứa thông tin liên quan đến cái mà họ cần. Chắc chắn là đọc các nội dung này sẽ thấy thú vị hơn là đọc dòng thông báo lỗi rồi. Như vậy, tỷ lệ người dùng đó rời trang của bạn sẽ thấp hơn đấy, và họ còn có thể sẽ ở lại lâu hơn để đọc thêm nữa.
Tác dụng đối với SEO
Như mình đã nói ở trên, 301 redirect cải thiện rất nhiều trong việc giữ chân và tăng trải nghiệm người dùng cho website của bạn. Mà đối với SEO, thì đây chính là mục tiêu tiên quyết để các công cụ tìm kiếm quyết định thứ hạng website của bạn trên các trang kết quả tìm kiếm.
Khi trải nghiệm của người dùng trên web tốt đi cùng với các chỉ số web tốt, thì không có lý do gì mà website của bạn lại không đứng top cả!
Ngoài ra, với 301 redirect thì bạn còn có thể ứng dụng trực tiếp vào việc tối ưu các đường dẫn URL cho các bài viết hoặc page trên web. Nếu URL bài viết chưa có từ khóa thì bạn có thể sửa sang URL mới và dùng 301 redirect để chuyển hướng.
Redirect 301 còn là phương pháp tương đối hiệu quả để loại bỏ các bài viết / nội dung bị trùng lặp, hay các bài viết chứa từ khóa “ăn thịt” nhau. Giải thích đơn giản một chút, nếu trang web của bạn có 2 bài viết cùng có chung 1 cụm từ khóa, Google sẽ không biết phải xếp hạng cho bài viết nào. Và kết quả là, Google có thể sẽ trừ điểm cả hai – rất chuối phải không? Để tránh tình trạng này, các SEOer thường gộp nội dung hai bài viết vào làm một và redirect 301 chúng về 1 link duy nhất. Vậy là bài viết đó của bạn sẽ nhận được thứ hạng cao hơn, trang web của bạn cũng tránh bị “ăn thịt” từ khóa hay giảm điểm SEO.
Còn nếu bạn thay đổi domain website hoàn toàn như mình ví dụ ở trên thì sao? Khi sử dụng 301 redirect, thì tức là bạn đã thông báo cho các công cụ tìm kiếm rằng bạn đã đổi sang một domain hoàn toàn mới với kết quả SEO vẫn được bảo lưu từ “địa chỉ nhà” cũ sang “địa chỉ nhà” mới. Việc này cực kỳ có lợi bởi nếu không làm như vậy, thì domain mới của bạn sẽ gần như phải SEO lại từ đầu.
Với những lợi ích như trên thì không có lý do gì mà bỏ qua công cụ này phải không? Hãy cùng xem sử dụng nó như thế nào để ứng dụng cho website của bạn nhé.
Cách thiết lập chuyển hướng 301 trong WordPress
Cách 1: Dùng code để tạo 301 redirect
Phương pháp này yêu cầu bạn phải sử dụng file htaccess trên server. Để tạo 301 redirect, bạn phải viết thêm code vào file này. Code như nào thì sẽ tùy theo yêu cầu chuyển hướng link nào, như thế nào, … của bạn.
Bạn thấy đấy, cách này đòi hỏi bạn phải biết code nên với những người dùng không am hiểu về code thì sẽ không làm được. Vậy nên mình sẽ nói về phương pháp này vào 1 bài viết khác. Còn bây giờ, mình sẽ hướng dẫn bạn một cách làm đơn giản và dễ tiếp cận hơn nhé.
Cách 2: Sử dụng plugin để tạo chuyển hướng 301
Có rất nhiều plugin có thể giúp bạn làm việc này như là Redirection, Safe Redirect Manager, All In One Redirection,… Tuy nhiên, mình thấy Redirection là dễ sử dụng và thao tác đơn giản nhất nên mình đã dùng nó và sẽ chia sẻ trong bài viết này.
Bước 1: Cài đặt và kích hoạt plugin Redirection
Bạn vào admin dashboard rồi tìm đến menu Plugin > Add New. Sau đó tìm plugin Redirection, tiến hành cài đặt và kích hoạt như thông thường nhé.
Bước 2: Thiết lập cho plugin Redirection
Sau khi cài đặt và kích hoạt xong, bạn chưa thể sử dụng để redirect 301 luôn. Bạn bắt buộc phải thiết lập cho plugin này trước đã rồi mới tạo các chuyển hướng được.
Trong phần danh sách các plugin, bạn nhấn luôn vào Settings ngay dưới tên của plugin Redirection để đến trang thiết lập cho plugin này nhé.
Trong giao diện thiết lập plugin như ảnh dưới đây, bạn hãy nhấn Start Setup
Lúc này, sẽ xuất hiện một vài lựa chọn. Bạn hãy chọn theo nhu cầu của mình rồi nhấn Continue Setup > Finished để hoàn thành thiết lập.
Đến đây là bạn có thể tiến hành tạo các chuyển hướng ở bước tiếp theo rồi nhé.
Bước 3: Tạo chuyển hướng 301 cho URL mà bạn muốn
Bạn sẽ thấy có một submenu mới là Redirection đã được thêm vào Tools.
Nhấn Redirection > Add new để tạo một chuyển hướng mới
Trong giao diện mới, bạn sẽ thấy hiển thị 2 thông tin quan trọng nhất, đó là: Source URL (URL cũ) và Target URL (URL mới mà bạn muốn đưa người dùng tới). Bạn điền 2 đường dẫn này vào nhé.
Ngoài ra, bạn có thể thấy thêm các tùy chọn khác như Group để phân loại các chuyển hướng. Nếu như bạn có nhiều link redirect thì bạn có thể chia chúng vào các Group khác nhau để có thể dễ dàng quản lý, tìm kiếm hoặc chỉnh sửa.
Ngoài ra, plugin Redirection còn cho bạn thêm những lựa chọn tùy chỉnh khác.
- Ở tab Group, bạn có thể tạo các group và chỉnh sửa thông tin các group mà mình sẽ dùng cho các link chuyển hướng.
- Ở tab Site: khi bạn thay đổi domain của website, thì bạn sẽ cần dùng tính năng Relocate Site ở tab này. Bạn điền domain mới của website vào phần Relocate Site thì tất cả mọi thứ trừ đăng nhập WordPress và admin sẽ đều được chuyển hướng sang domain mới. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng Site Aliases trong tab này khi bạn muốn 1 domain khác được chuyển hướng đến trang của bạn.
- Nếu bạn muốn kiểm tra ai đã thay đổi các link chuyển hướng, thì bạn có thể vào tab Log để xem.
- Ngoài ra, tab 404s sẽ cho bạn biết các đường link nào trên website đang bị lỗi 404.
Bước 4: Kiểm tra kết quả
Bây giờ, hãy cùng kiểm tra lại xem các link chuyển hướng của bạn đã hoạt động hay chưa nhé. Đây là redirection mà mình vừa mới tạo, bạn xem thử nhé.
Vậy là mình đã thực hiện chuyển hướng 301 xong rồi đấy. Rất nhanh và dễ dàng phải không?
Lời cuối
Mình mong rằng bài viết này của mình sẽ giúp các bạn phần nào nắm được 301 redirect là gì và hiểu được tác dụng của 301 redirect. Như mình đã chia sẻ về tác dụng của chuyển hướng 301, mình tin là các bạn có thể tận dụng được nhiều hơn những lợi ích mà nó mang lại. Các bạn hãy cùng làm thử và chia sẻ kết quả ở phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã đọc và đừng quên theo dõi các bài viết tiếp theo của mình! Chúc các bạn thành công!