Phân tích hành vi của người dùng trên website với Microsoft Clarity

Đối với các chủ website, đặc biệt là website bán hàng online, việc phân tích hành vi và dự đoán xu hướng, thói quen, sở thích của người dùng là vô cùng quan trọng. Thông qua việc này, chủ website có thể thay đổi chiến lược kinh doanh, chiến lược marketing để tiếp cận được đúng đối tượng hoặc đánh đúng nhu cầu của khách hàng. Trong bài viết này, mình sẽ hướng dẫn cách bạn phân tích hành vi của người dùng trên website với Microsoft Clarity.

Công cụ này sẽ cung cấp cho bạn rất nhiều thông tin / tính năng hữu ích như:

  • Các thông số cơ bản mà Google Analytics có cung cấp như: session (phiên), số trang người dùng xem mỗi session, trình duyệt / thiết bị / hệ điều hành mà khách hàng đang sử dụng, …
  • Các thông số khác chỉ Microsoft Clarity có như: những phần nội dung không được xem tới (cuộn chuột tới), tỷ lệ quay lại ngay sau khi click vào link, tỷ lệ người dùng click liên tục vào một vị trí trên website, …
  • Ghi lại video quá trình tương tác của từng lượt truy cập trên website
  • Biểu đồ nhiệt (heatmap) giúp bạn biết khu vực nội dung nào được người dùng quan tâm

Và còn rất nhiều tính năng hay ho khác nữa mà mình sẽ giới thiệu ngay sau đây. Nhưng trước tiên, bạn cần cài đặt công cụ Microsoft Clarity đã:

Cài đặt Microsoft Clarity

Lưu ý: Nếu website của bạn đang dùng một plugin Cache, bạn nên xóa toàn bộ dữ liệu Cache để giúp Microsoft Clarity xác minh website nhanh hơn. Nếu không, bạn sẽ phải chờ thêm vài tiếng.

Bước 1: Đăng ký tài khoản

Đầu tiên, bạn cần đăng ký một tài khoản Microsoft Clarity.

Bạn cần đăng ký một tài khoản Microsoft Clarity

Trong trang tài khoản Microsoft Clarity, hãy tạo một project mới:

Trong trang tài khoản Microsoft Clarity, hãy tạo một project mới.

Sau khi tạo xong, mục Setup sẽ hiện ra. Tại đây, Microsoft Clarity cung cấp cho bạn một đoạn tracking code. Chúng ta sẽ cần chèn đoạn code này vào website WordPress trong bước tiếp theo, vậy nên hãy click Copy to clipboard để lưu nó lại.

Bạn copy đoạn tracking code mà Microsoft Clarity cung cấp trong mục Setup.

Bước 2: Thêm tracking code vào website

Việc chèn tracking code của Microsoft Clarity cũng gần giống với việc chúng ta chèn tracking code của Google Analytics. Bạn chỉ cần copy và paste đoạn tracking code vào phần Header của website WordPress. Bạn có thể tự sửa code trong theme, dùng plugin, hoặc dùng Google Tag Manager đều được.

Ở đây, mình sẽ dùng Slim SEO vì plugin này cung cấp một tính năng cho phép chúng ta chèn code vào phần Header một cách cực kỳ đơn giản. Plugin này miễn phí và có sẵn trên wordpress.org nên bạn có thể cài đặt và kích hoạt nó từ Dashboard.

Xem thêm: cách cài đặt và kích hoạt plugin trong WordPress.

Bạn tìm và cài đặt Slim SEO từ Dashboard.

Sau khi kích hoạt thành công plugin Slim SEO, hãy tới mục Settings > Slim SEO > Code rồi Ctrl+V để dán đoạn tracking code vào phần Header Code và kéo xuống ấn Save Changes.

Sau khi kích hoạt thành công plugin Slim SEO, hãy tới mục Settings > Slim SEO > Code rồi Ctrl+V để dán đoạn tracking code vào phần Header Code và kéo xuống ấn Save Changes.

Vậy là đoạn tracking code đã được thêm vào website WordPress của bạn, và các dữ liệu sẽ bắt đầu được gửi về cho công cụ Microsoft Clarity phân tích.

Các chỉ số về hành vi người dùng được cung cấp bởi Microsoft Clarity

Sau khi thêm tracking code, bạn phải chờ khoảng 2 tiếng để Microsoft Clarity phân tích các hành vi của người dùng. Sau hai tiếng, hãy quay lại website của Microsoft Clarity và đăng nhập vào tài khoản của bạn, một giao diện mới sẽ xuất hiện như sau:

Giao diện website của Microsoft Clarity sau khi thêm tracking code.

Như các bạn có thể thấy trên hình, Microsoft Clarity cung cấp cho chúng ta 4 tab:

  • Dashboard: chứa toàn bộ số liệu thống kê về hành vi của người dùng trên website.
  • Recordings: ghi các hành vi của người dùng trên website.
  • Heatmaps: theo dõi một cách trực quan tần suất click chuột, cuộn chuột của khách hàng thông qua một biểu đồ nhiệt (heatmap). Thông qua biểu đồ này, bạn có thể xác định được các vị trí mà người dùng quan tâm và thường tương tác.
  • Settings: bao gồm một số thiết lập cho công cụ Microsoft Clarity.

Sau đây mình sẽ giới thiệu cụ thể về từng tab:

Tab Dashboard – Các thông số chung

Các thông số chung của Microsoft Clarity.

Lưu ý: ấn (i) bên cạnh tên thông số để xem chú giải từ tác giả của plugin.

Ngoài các thông số chúng ta đã quá quen thuộc trong Google Analytics như là session, pages per session, country, browser, device, …, Microsoft Clarity còn tập trung cung cấp các thông số khác liên quan đến cách người dùng tương tác trên website hơn là về lượt truy cập. Ví dụ như:

  1. Scroll depth: chiều sâu cuộn chuột. Trung bình, khách hàng cuộn chuột tới 30,42% chiều dài trang web của mình rồi dừng lại, chứng tỏ không nhiều người kiên nhẫn xem tới tận phần Footer.
  2. Engagement: thời gian mà chuột của khách hàng di chuyển (active) và thời gian chuột của họ ở nguyên một chỗ (inactive).
  3. Quick backs: tỷ lệ người dùng bấm vào link trong bài, nhưng bấm quay lại ngay lập tức. Có thể do họ thấy link không liên quan / không hữu ích.
  4. Excessive scrolling: tỷ lệ người dùng cuộn lên cuộn xuống nhiều (chứng tỏ họ phải cuộn lên xem lại do nội dung khó đọc hoặc do không tìm được thứ họ muốn).
  5. Rage clicks: người dùng click liên tục vào một chỗ (có thể do icon quá nhỏ, hoặc do phản hồi chậm).
  6. Dead clicks: người dùng bấm vào một chỗ nhưng không có phản hồi từ website. Điều này chứng tỏ nút / link đó đang bị hỏng, phản hồi chậm, hoặc vị trí đặt nó đang khiến khách hàng hiểu lầm.

Mình chỉ giải thích cho các bạn một số thông số phức tạp thôi, nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về các thông số khác, hãy xem tài liệu hướng dẫn của Microsoft Clarity nhé.

Tab Recordings – Ghi lại các hành vi của người dùng

Tính năng Recordings cho phép bạn xem lại toàn bộ quá trình mà khách hàng tương tác với website trong một phiên. Lưu ý là Microsoft Clarity ghi lại TOÀN BỘ QUÁ TRÌNH của TỪNG PHIÊN thành video, nên bạn có thể chọn bất cứ phiên nào bạn muốn để xem (1). Để xem nhanh, bạn có thể tùy chỉnh tốc độ (2) hoặc chọn tự động tua qua các đoạn mà người dùng không tương tác (3).

Microsoft Clarity ghi lại toàn bộ quá trình của từng phiên thành video

Nếu người dùng nhập thông tin cá nhân của họ như email hoặc số điện thoại thì tính năng Recordings này đều có thể ghi hình lại. Bạn có thể tùy chỉnh việc có ghi hình toàn bộ những thông tin này hoặc che chúng đi ở bên tab Settings (mình sẽ nói cụ thể ở dưới).

Tab Heatmaps – Biểu đồ click chuột / cuộn chuột

Thông qua tính năng Heatmaps, bạn có thể biết được người dùng thường click vào vị trí nào, cuộn chuột đến đâu. Tất cả được hiển thị dưới dạng một bản đồ nhiệt (heatmap) vô cùng trực quan, dễ theo dõi. Tần suất click / cuộn chuột được thể hiện bằng màu sắc. Tần suất sẽ tăng dần từ màu xanh tới màu đỏ.

Thông qua tính năng Heatmaps, bạn có thể biết được người dùng thường click vào vị trí nào, cuộn chuột đến đâu.

Tab Settings – Thiết lập Microsoft Clarity

Tab Settings - Thiết lập Microsoft Clarity

Trong phần này, có hai mục bạn cần quan tâm là Masking IP blocking.

Masking

Trong phần Masking Mode, bạn có thể chọn che đi các nội dung mà người dùng nhập vào trên website để nó không hiển thị trong phần Recordings

Trong phần Masking Mode, bạn có thể chọn che đi các nội dung mà người dùng nhập vào trên website để nó không hiển thị trong phần Recordings. Tính năng này sẽ đảm bảo tính bảo mật thông tin của người dùng. Bạn có 3 lựa chọn:

  • Strict: che toàn bộ nội dung người dùng nhập vào
  • Balanced: chỉ che các nội dung nhạy cảm
  • Relaxed: không che

Thông thường, bạn nên để Balanced để che đi những thông tin quan trọng của khách hàng như email hoặc số điện thoại.

IP blocking

Trong mục IP blocking, bạn có thể yêu cầu Microsoft Clarity không theo dõi và phân tích hành vi của người dùng từ một địa chỉ IP nhất định.

Bạn hãy click vào Block IP address, điền tên để dễ phân biệt, điền IP address và click Add. Ví dụ, mình tự chặn IP công ty của mình vì mình chỉ muốn phân tích hành vi của những khách hàng thực sự thôi.

Trong mục IP blocking, bạn có thể yêu cầu Microsoft Clarity không theo dõi và phân tích hành vi của người dùng từ một địa chỉ IP nhất định.

Lời cuối

Nhìn chung, Microsoft Clarity là một công cụ phân tích hành vi người dùng hiệu quả và rất đáng để sử dụng. Một trong các tính năng của Microsoft Clarity mà mình thích nhất là Heatmaps, nó thể hiện tỷ lệ click chuột / cuộn chuột rất trực quan và dễ hiểu.

Bên cạnh việc phân tích hành vi của người dùng, bạn cũng cần tăng tốc website và bảo mật các dữ liệu quan trọng để cải thiện trải nghiệm sử dụng của khách hàng, từ đó giúp gia tăng tỷ lệ chuyển đổi.